Lặn Ngọc

Chương 8

Ta mơ hồ thấy ánh mắt lạnh lùng của chàng nheo lại, môi mỏng mím chặt, thần sắc giận dữ không kìm nén.

Ta không nghe được nữa, tai ta rất đau, trước mắt bắt đầu hoa lên.

Ngày đó quả thật là Hàn Sơn Ngọc đến.

Đến không sớm không muộn, màng nhĩ trái ta đã bị chọc thủng, thành nửa người điếc.

Khi chàng bế ta rời đi, tai ta vẫn đang chảy máu.

Người Hàn Sơn Ngọc thật thơm, ta nắm áo chàng, khi nép vào lòng chàng, ngửi thấy mùi thanh mát như hương dạ tức.

Sau đó ta luôn sống ở Tông chính đường của chàng.

Hàn Tráng gần năm năm không về nữa, nghe nói là Hàn Sơn Ngọc ra lệnh, không cho ông ta về phủ.

Trong Tông chính đường có Gia Nương, nàng ấy là cô nương tính tình dịu dàng, hay nấu thuốc hầm canh cho ta.

Khi tai ta không còn đau nữa, một ngày Hàn Sơn Ngọc hỏi ta: "A Bảo, ngươi có muốn về biển Chu Nhai không?"

Mắt chàng vẫn đẹp như thế, con ngươi nâu như phủ một tầng hào quang.

Ta nhìn thần sắc nghiêm túc của chàng, trịnh trọng gật đầu.

Thế nên tháng ba năm đó, Hàn gia sắp xếp một cỗ xe ngựa, đưa ta và Khánh Bá cùng về biển Chu Nhai.

Khánh Bá là lão bộc còng lưng từng hầu hạ Cao công, khi đó ông ấy đã cao tuổi sáu mươi lăm.

Trên đường về ta mới biết, hóa ra ông ấy cũng là thân phận dân Đản.

Ông ấy nói mình hầu hạ Cao công cả đời, Hàn Sơn quân cho ông ấy về già ở Hàn gia, nhưng ông ấy vẫn nhớ nhung, muốn về thuyền dân Đản.

Lá rụng về cội, người chôn quê xưa, mới là nơi an tâm.

Ông ấy còn nói với ta, Lĩnh Nam đạo nhiều khí độc, từ xưa là vùng man hoang, ven biển khoảng mười vạn dân Đản.

Khi ông ấy còn rất nhỏ, mọi người đều xuất thân nô lệ, là tiện dân mạng như cỏ rác, cả đời không được lên bờ.

Dân Đản đời đời lặn ngọc, dùng ngọc đổi gạo, nhưng trước kia ngay cả gạo mì cũng không có mà ăn.

Hàn gia mở trại châu, thu mua trân châu, giao dịch với thương nhân kinh thành, định mức cống nạp triều đình, hiện nay thường bị người ta chê trách, nói họ thế lực lớn ở Lĩnh Nam.

Bạn cần đăng nhập để bình luận