Người Mang Bóng Chạ
3
Trên đường trở về, Linh vòng ngang cây đa già bên lối mòn cũ. Cây đa này ai cũng nói đã bị sét đánh chết từ mùa hạn năm kia. Vỏ đen, thân chẻ đôi, bên trong rỗng như bụng trống.
Ngay dưới gốc cây, có một đứa nhỏ đứng quay mặt vào thân đa. Nó cởi trần, da đen nhẻm, vai run run như người đang sốt. Miệng nó lẩm bẩm câu gì đó, rất nhanh, rất nhỏ nhưng đều đặn, như đọc kinh.
Linh bước lại.
- Con… con đi với ai vậy?-
Đứa nhỏ không quay đầu, không trả lời, tiếng miệng vẫn tiếp tục, rồi… trong một cái chớp mắt, nó biến mất.
Không âm thanh, không khói, không mờ dần, chỉ là… không còn ở đó nữa. Linh lao tới chỗ nó vừa đứng, dưới đất, còn hai dấu chân bùn lõm sâu như người lớn nhưng không có dấu chân bước ra ngoài, chỉ có hai cái đứng im, và rồi… im bặt.
Đêm đó, Linh lục lại rương gỗ cũ của mẹ, bên dưới mớ áo dài đã ngả màu, cô tìm thấy một quyển vở học trò đã sờn gáy, giấy vàng như rơm cháy, có mỗi một trang còn chữ.
Trang giấy run bần bật trong tay cô khi cô đọc thấy dòng chữ viết tay, nét mực đã nhòe nước, nhưng vẫn còn đọc được.
- Nếu con còn sống… đừng bao giờ để người ta gọi con là Chạ.-
Cô không kịp nghĩ nhiều, vì đúng lúc đó… có tiếng thì thầm vang lên từ ngoài hàng rào, không to, không rõ, nhưng chắc chắn là giọng người, không phải tiếng gọi thân mật, không phải giọng ai quen, một tiếng gọi đơn độc, từ bên kia rặng cau.
- Chạ Linh…-
Linh rời làng khi trời vừa nghiêng nắng xế. Gió vẫn âm ỉ từ hướng rừng kéo về, lướt qua da thịt như bàn tay ai lạnh ngắt. Cô đi một mình, theo lối đất dẫn ra bờ suối nơi xưa mẹ từng tắm cho cô, nơi có hòn đá to hình mai rùa mà trong trí nhớ cô, có một vết rạch sâu do “quỷ suối” cào vào ngày trời giông.
Lối đi ngập trong tiếng côn trùng, lá khô lạo xạo dưới dép, mỗi bước vang lên như dẫm qua xác vỏ những ký ức đã khô giòn. Cây cối hai bên rậm hơn cô nhớ, con đường nhỏ không còn dấu chân người.
Tới bờ suối, cô nhìn thấy hòn đá, vẫn là cái dáng ục ịch như mai rùa, nằm trồi lên giữa lòng suối cạn. Nhưng… không có vết rạch nào, không một dấu nứt, không một vết trầy. Bề mặt trơn nhẵn, chỉ có một mảng rêu xanh phủ mỏng rêu cũ, rêu sâu tuổi.
Linh cúi xuống, lấy đầu ngón tay gạt nhẹ, bên dưới lớp rêu ấy… là một vết khắc xoắn ốc lượn đều, sắc nét, nhưng mờ theo năm tháng. Không phải vết cào, là dấu vẽ, cô chưa từng thấy nó trong trí nhớ, nhưng nó ở đây, từ rất lâu.
Cô ngồi bệt xuống bên gốc cây gần đó, cây chò nâu già, thân sần sùi, rễ trồi lên như bắp chân người chết sình. Gió đẩy hương đất ẩm lên mũi, Linh ngả đầu, nhắm mắt, và ký ức… tràn về như nước lũ vỡ đê.
Trong trí nhớ, mẹ cô đang ngồi trong chái bếp, quấn khăn chàm quanh người cô bé Linh đang sốt cao, bên ngoài, trời mưa lớn, tiếng mõ trâu dội vào vách.
Và tiếng gào...
- Con đàn bà nuôi Chạ! Mau giao nó ra!-
Tiếng gõ cửa điên cuồng, mẹ cô bịt chặt miệng cô bé, cơ thể người mẹ run lên, khăn quàng ướt mồ hôi, lửa bếp tắt phụt. Nhưng trong lúc ký ức diễn ra, Linh, người phụ nữ trưởng thành nhận ra điều gì đó không đúng. Đứa bé trong lòng mẹ… không phải cô. Cô thấy rõ: đứa bé ấy ngồi bất động, không khóc, không rên, mặt không rõ, chỉ có đôi mắt đen trũng đen đến mức nuốt luôn ánh sáng từ đốm lửa lẻ loi. Còn cô, “cô bé Linh” trong trí nhớ… đang đứng bên ngoài, lặng lẽ nhìn vào.
Cô xoay mặt, tấm gương nước dưới gốc cây phản chiếu hình ảnh cô - dáng ngồi, tư thế, áo khoác, nhưng không có bóng, chỉ có hình, không có bóng.
Về đến nhà, Linh lôi chiếc rương cũ ra lần nữa, ngón tay lần mò từng lớp áo đã úa màu. Mùi ẩm mốc quyện với mùi tro nhang cũ tạo thành thứ hương lẫn mùi ký ức không thơm, không thúi mà day dứt. Cô tìm thấy một chiếc khăn quàng nhỏ, bằng vải chàm sờn mép, thêu hoa văn hình xoắn ốc lệch tâm. Không giống hoa văn của người Chơ-ro, không đều tay, không theo hướng cổ truyền, một kiểu xoắn ngược.
Trên mép khăn còn một vết máu khô nâu đậm như gỉ sắt, và một sợi tóc, dài, thô, đen mun, không phải tóc trẻ con, cô cầm khăn đi ngay.
Ông Mo Chín ngồi ngoài chòi, lưng quay về phía lối vào. Lần này ông không rắc muối, cũng không thổi khèn, chỉ ngồi đó, tay xoa một cục đất sét đỏ trong lòng bàn tay, vo tròn từng chút một như nặn ra hình gì đó mà chưa chịu cho ai thấy.
Linh đặt chiếc khăn lên bậc chòi, ông nhìn, không chạm, chỉ thở ra một tiếng, rất nhẹ, nhưng sâu, rồi ông quay mặt đi, lặng lẽ bước vào bên trong, không nói một lời.
Linh định bước theo thì dừng lại, vì mắt cô vừa lia tới một bức vẽ bằng đất sét treo trên vách, không đóng khung, không có tên, chỉ có hình. Một đứa bé đứng giữa hai xác người lớn nằm sấp tay hai người duỗi ra như vươn theo nó, nhưng đã chết cứng. Đứa bé ấy đội một bóng đen trùm đầu, như tấm màn phủ lên mặt trong lễ chôn cất. Và cái bóng của nó, in trên đất, không đi thẳng về một hướng… mà kéo dài sang hai bên, như hai cánh tay… đang ôm xác.
Sáng hôm đó, gió lặng một cách bất thường, không chim kêu, không chó sủa, không một tiếng gió thổi qua lá chuối. Cả làng như nín thở, Linh tỉnh giấc khi mặt trời chưa mọc hẳn, ánh sáng mới chỉ chạm tới bờ mái rêu.
Tiếng chân người lúp xúp ngoài đường đất, tiếng vải thô sột soạt. Cô bước ra sân. Trước mắt là một dòng người, tất cả đều mặc đồ trắng xám, đầu chít khăn vải thô, giữa trán có thêu dấu vòng tròn chấm đen dấu mà cô từng nghe mẹ gọi là “dấu chừa”, dấu của những người chưa nhiễm tà.
Họ đi về phía khoảng đất rộng nằm giữa đình làng và mé rừng nơi từng dùng để cúng rừng, cúng rẫy, cúng đầu mùa. Nay lối mòn cũ được phát lại, sân đất được san phẳng từ hai hôm trước. Không ai nói cho Linh biết, không ai rủ cô, nhưng cô tự hiểu: hôm nay không phải ngày thường.