Người Mang Bóng Chạ
5
Linh mở cuộn giấy, bên trong là danh sách tay, viết bằng mực than, nét run nhưng đều: Tên - Lý do bị xóa - Năm - Lễ thực hiện - Người chứng kiến. Lướt nhanh, Linh thấy tên của mấy người già từng sống trong làng, nhưng không ai còn được nhắc tới.
Một dòng bị gạch xéo, nhưng vẫn đọc được.
“Mùi - mang bóng hộ - không thành, kẻ bóng chuyển qua…”
Ngay dưới đó là một dòng không có tên, chỉ có ba dấu chấm lửng kéo dài như vết dao cắt chưa xong.
“…”
Linh ngẩng lên, cô đi lại một góc chồng mặt nạ nghi lễ - gỗ có, đất sét có, giấy dó có. Một chiếc mặt nạ giấy nằm riêng, đã vỡ đôi, chỉ còn nửa bên trái, lỗ mắt đen sì như hố giếng chưa lót đáy, mép còn lại bị cháy xém, lem lên vết nhang.
Khi Linh vừa chạm tay vào mép mặt nạ... một cơn choáng lướt qua trán như ai gõ từ phía sau đầu.
Trong đầu cô: một đoạn ký ức cũ nhưng chưa từng thấy. Một người phụ nữ bị trói giữa sân, miệng bị nhét đất sét đỏ, mặt đeo chính chiếc mặt nạ vỡ này, người đó vùng vẫy, không khóc, nhưng mắt ướt. Quanh đó là đám đông tất cả đều quay mặt, không ai gọi tên, không ai hỏi vì sao. Ngoài rìa đám đông… một đứa bé đứng nhìn, là cô. Nhưng đôi mắt đứa bé ấy không phải của cô khi nhỏ, mắt đó… đen trũng, trầm như mặt suối mùa nước cạn, ánh mắt… không của trẻ con.
Linh lảo đảo, ông Bảy đứng phía sau, vẫn giọng đều đều.
- Con không phải ma chạ, nhưng con… có một phần… bị đổi chạ.-
- Mẹ mày biết. Tao biết. Còn làng thì không dám biết. Biết là phải nhớ, mà nhớ là phải giữ, không ai còn gan giữ nữa.
Cô không nói gì, không hỏi thêm, tim đập nặng, nhưng mắt ráo hoảnh. Cô quay lại, bước ra cửa, ngoài hiên, nắng đã lên. Ánh sáng chiếu vào lòng kho, vắt ngang mặt sàn gỗ mục. Linh nhìn xuống, hai cái bóng song song đổ dài trước mặt cô, cô đứng một mình.-
Gốc đa già vẫn nằm đó, một nửa thân bị sét đánh trơ sẹo trắng bạc như xương voi phơi khô. Trời vừa mới âm u từ đầu trưa, giờ chuyển sang mưa lụt mặt đất mưa không lớn nhưng dai như người đang khóc nghẹn mãi không dừng.
Linh dừng lại trước gốc cây, không gian quanh cô tê liệt, mưa rơi mà không có tiếng. Gió quét mà không lay nổi lá, trên không có mùi gì nhưng dưới đất… mùi máu tanh nồng lên đột ngột, như ai vừa xẻ thịt ở đây.
Cô cúi người, lùa tay qua những lớp rễ mốc meo, một tảng đá kê dưới gốc đa sụp xuống, đất sụt lõm, một góc lộ ra. Bên trong… là một vạt đất nhỏ, được buộc bằng ba sợi chỉ đỏ, đã mục nhưng chưa rã. Dưới lớp bùn đen, có một mảnh vải chàm vải dân tộc, vải cúng và trên đó dính máu đã khô đen như dầu hôi để lâu. Linh rụng rời, cô lùi lại… nhưng chân vướng rễ, té đập đầu vào thân cây đa, mắt tối sầm. Trong đầu cô… một trận ký ức bật tung, không theo trật tự, không có dẫn dắt, không có báo trước.
Tiếng mưa biến mất, thay vào đó, là tiếng hô hoán.
- Đập bóng nó đi! Bóng chưa lìa thì Chạ còn nhập!-
Cô bé Linh, người trong ký ức , đứng giữa vòng người lớn. Bên trong vòng tròn, mẹ cô đang bị trói bằng dây đay thô, tay ngoặt ra sau, tóc rối, miệng bị nhét lá ngải tươi, mắt mẹ cô mở to, đỏ ngầu như muốn rách tròng.
Trong lòng bà… là một đứa trẻ không phải Linh, đứa bé đó khóc, khóc như đứt gan đứt ruột, mặt bị che hờ bằng mảnh vải ướt máu.
Một bàn tay dúi vào tay cô bé Linh một hòn đá nhỏ.
- Nhanh! Mày là đứa đầu tiên! Phải là máu mình để bóng nó lìa!-
Mẹ cô rít lên, gào như xé họng.
- Đừng để nó chạm vào! Nó mà chạm, là dính luôn! Là nó thành cái khác đó!-
Nhưng cô bé Linh trong ký ức không lùi lại, cô bước tới. Ném ư? Không. Chạm, bàn tay bé xíu đưa hòn đá xuống đặt nhẹ lên trán đứa bé kia. Và… máu phun ra, không ai rõ từ đâu, không ai thấy ai đánh. Nhưng rất nhiều máu, văng lên tóc mẹ, văng lên tay cô, văng cả vào những gương mặt xung quanh. Cảnh cuối cùng: khuôn mặt đứa bé kia… bị làm mờ như thể chưa từng được phép nhớ cho rõ.
Linh choàng tỉnh, mưa vẫn rơi, dưới chân cô, nước mưa đọng thành một vũng phản chiếu. Cô nhìn xuống, khuôn mặt phản chiếu trong đó… không phải hoàn toàn của cô. Mắt phải lệch thấp hơn mắt trái, môi trên hơi nhếch lên một bên, phần hàm đơ như dán bằng vải. Giống hệt mặt nạ giấy dó bị cháy trong kho tang. Cô lùi lại, va vào thân cây, vũng nước loãng ra, hình ảnh biến mất. Cô cố thở, ngực phập phồng, tim đập như trống lệnh. Rồi… một âm thanh, tiếng bước chân nhẹ, đều, không gấp, không chậm, nhưng rõ từng nhịp.
Linh quay lại, không có ai, nhưng không khí vừa bị quét qua, như có người đi ngang. Cô nhìn xuống đất: bùn không có dấu chân người. Nhưng bên cạnh gốc đa… có một dấu bàn tay nhỏ, ấn hẳn vào bùn. Máu cũ, máu đen thẫm, nhưng vẫn còn ươn ướt, như vừa rỉ ra từ một nơi sâu hơn lòng đất.
Cô nghẹn giọng.
- Người đó là ai?... Hay… mình đã từng là nó?-
Từ sau gốc cây, một giọng thì thầm vang lên không phải tiếng người, mà như tiếng gió bị kẹt trong ống tre.
- Có hai đứa… một đứa sống… một đứa bị quên... mi là ai trong đó?-
Buổi chiều đổ về như sơn đen quét nhòe mặt đất. Linh băng qua con suối cạn, chân lấm bùn non, đầu choáng như mang sốt. Cô không rõ mình đi bao lâu, chỉ biết mình đang đến nơi… mà mẹ từng cấm nhắc tên: Nhà của bà Nhạn.
Ngôi nhà nằm bên triền đá, khuất sau rặng tre già. Mái nhà thấp sát đất, tường đất nứt chân chim, cửa treo một dải vải trắng loang vết khói dấu hiệu tang cũ đã quên tên.
Linh chưa kịp gõ, cánh cửa đã mở ra, Bà Nhạn đứng bên trong, gầy lụp xụp, tóc bạc dài, mắt không mờ nhưng ánh nhìn như xuyên qua Linh chứ không đặt lên cô.
Bà hỏi Linh.
- Vẫn là ánh mắt đó… Nhưng… giọng con thì không phải.-
Câu nói như tảng đá rơi xuống giếng khô trong lòng Linh, lặng, sâu, và rỗng.
- Bà… nói gì vậy?-
Không trả lời, bà lùi vào trong, mở đường bằng sự im lặng. Linh theo sau, không dám hỏi thêm. Căn nhà thấp, tối, mùi bồ kết khô, sáp ong, và máu cũ.
Bà Nhạn ngồi xuống chiếc ghế tre kêu cọt kẹt, ánh mắt dán vào lò đất tắt ngấm giữa nhà, giọng bà khẽ như tro rơi:
- Hôm đó… không phải con đánh nó.-
- Không phải con đứng trong vòng.-
- Con là đứa bị trói, không phải đứa cầm đá.-
Linh bật dậy.
- Không. Con… nhớ mà. Con đã… mẹ con… bà ấy… bị trói… con thấy…-
Bà gằn giọng, chậm nhưng chắc.
- Ai đó đã đổi Ch, dùng nghi lễ cổ, tráo bóng.-
- Một đứa giữ thân, một đứa giữ tên, sau đêm ấy… không ai còn chắc ai là ai nữa.-
Linh đứng trân người, tai ù,lòng xám, cô ngồi phịch xuống, nhìn sững vào lửa không cháy. Bà Nhạn đứng dậy, đi đến bàn thờ tre ọp ẹp trong góc. Gạt bụi, lật tấm phản gỗ dưới chân bàn, lôi ra một hộp gỗ đen sém như đã bị ai đốt nhưng không cháy hết, mở ra. Bên trong: một mảnh áo cháy dở, vải thô màu chàm, dính máu sẫm lại như gạch non, một tấm bùa bằng vỏ cây, khắc chữ cổ Chơ-ro.
“Bóng chuyển, mạng giữ. Thân sống, danh chết.”,
Một tờ giấy cũ, giấy học trò cắt đôi, nét chữ ngoằn ngoèo, là chữ của mẹ Linh.
“Ta đã giấu nó trong con - không còn cách nào khác, tha cho ta, nếu một ngày nó nhớ lại.”
Linh đọc tới đó thì nôn, nôn khan, rồi nôn mật xanh, mắt mờ, gió ù vào tai như ai đang thổi hơi. Trong đầu cô hai đứa bé hiện lên, một đứa đang khóc, một đứa đang cười, một đứa có giọng, đứa kia chỉ cười mím môi. Một đứa có bóng trong gương, đứa kia đứng ngay đó mà gương trống trơn.
Cô run lẩy bẩy.
- Bà Nhạn… nếu… nếu con là đứa kia? Là cái bóng ư? Là… kẻ được tráo sao?-
Bà Nhạn không chớp mắt, giọng khàn, chậm rãi, từng chữ như rút từ gan ra.
- Con có quyền nghi ngờ ta.-
- Nhưng nếu con vẫn là Linh…-
- Thì sao ta giữ được tro cốt mẹ con suốt chừng ấy năm, mà không ai trong làng còn nhớ tên của bà?-
Linh lặng đi, cô nhìn xuống hộp gỗ, trên nắp… có dấu tay cháy xém, hằn rõ năm ngón chụp xuống như ai đó từng cào đập từ trong ra, cố thoát, cố nói, cố giữ lại cái tên sắp bị chôn.