Người Mang Bóng Chạ

7

Gió quất ngang sân, muối trong vòng xoắn bay tạt vào chân, vào mặt, mắt cay xè. Cô gọi lần ba và lần này, không kêu tên nữa chỉ bật ra một tiếng khóc, một tiếng nấc nghẹn như gọi ai từ giấc mơ chưa từng ngủ trọn.

Bình tro khẽ chuyển xám, cùng lúc đó bản sao khẽ động, ngón tay phải của cô ta, máu bắt đầu rỉ nhưng là máu đỏ, đỏ tươi.

Không ai nói gì, nhưng cả sân đình chao đảo như vừa có gió lớn rít qua, tiếng bàn tán nổi lên từ các mép người, có tiếng rít khe khẽ.

- Máu đỏ… là người thật… nhưng tro chuyển màu… là có gốc gọi…-

Một ông lão râu bạc cúi đầu lẩm bẩm.

- Một đứa sống bằng ký ức - một đứa sống bằng tên, cả hai… là một nửa của nhau.-

Trưởng làng không cản đám đông, ông chỉ gõ ba tiếng mõ rồi ngẩng đầu.

- Mi đã giữ được thân, nhưng không giữ được tiếng. Đêm rằm tới… ta sẽ làm lễ tách bóng, một đứa giữ tên, một đứa mất danh.-

Câu nói đó như cắt đôi Linh từ trong ra ngoài, cô không khóc, không kêu, chỉ hỏi khẽ như sợi khói từ nồi cơm nguội.

- Nếu tôi mất danh… thì tôi còn là người không?-

Không ai trả lời, mưa bắt đầu rơi nhẹ rơi lên vòng muối đang tan ra thành vệt trắng loang giữa đất đình. Chiếc gương đồng phản chiếu ánh đuốc cháy dở hình ảnh hai người con gái lờ mờ trong đó chỉ một người có bóng khớp, nhưng không ai dám khẳng định đó là bóng của ai.

Đến đêm mùng chín, trời không trăng, cây trong làng không động. Sân đình không còn là sân nữa, đã hóa thành bàn lễ thiêng. Một vòng xoắn ốc được vẽ từ tro trắng trộn bột xương, mùi ngai ngái lẫn mùi đất ẩm, hăng như tiết trời tháng Chạp có mùi thịt cũ. Giữa xoắn ốc là hai bóng gỗ, cỡ bằng đầu người, mỗi bóng gắn một nhúm tóc một là tóc Linh, một là của kẻ giống cô như in. Lửa được lấy từ gốc cây thiêng giữa làng cây Tung cổ không bao giờ tắt, từ bao đời nay chỉ dùng để thắp khi chuyển chạ, chôn tên, tách bóng. Không ai dặn, nhưng tất cả dân làng đều mặc đồ sẫm, đầu chít dây vải trắng, im như người không còn miệng, ngay cả mấy đứa nhỏ cũng không khóc.

Trưởng làng bước vào, tay cầm chiếc mõ gỗ sứt cạnh, miệng lầm rầm đọc.

- Một thân hai tên, một bóng hai gốc, lửa sẽ thiêu bóng giả, danh sẽ về tay người còn gốc.-

Ông giơ tay, hai sợi chỉ đỏ được buộc vào cổ tay Linh và bản sao. Sợi chỉ được xoắn từ tóc của người chết trẻ - thứ được dân Chơ-ro tin là dây dẫn vía, nối từ người sống xuống âm căn. Linh không khóc, chỉ nhìn, mắt trũng sâu như từng trôi qua một con nước lũ không ai vớt. Cô không biết đây là phần đời thật hay một giấc mộng lặp lại từ đời ai đó đã bị xóa tên.

Người châm lửa là bà Nhạn không ai kêu bà tự ra, mắt bà trắng đục, tay run mà vững. Lửa vừa bén tro, bốc lên màu xanh rờn, không khói, không mùi, như lửa đốt thứ không thuộc về trần gian. Ngọn đầu tiên chạm đất cả Linh lẫn bản sao cùng ngã xuống, không tiếng hét, không giật, chỉ ngã như hai cái xác bị rút lõi.

Bên trong đầu Linh là bóng tối. Không có sân đình, không có dân làng, chỉ có một cái hố đất đen, cỏ mục, và hai đứa bé. Một đứa bị trói, miệng nhét đầy đất, mắt lồi lên, dính đầy bụi. Đứa kia đứng ngoài, cũng không nói, nhưng tay cầm một viên đá tròn, mắt chảy nước như rỉ từ trái cây dập.

Linh thấy mình là đứa đang đứng, không hiểu sao tay cô cũng nắm đá, cổ tay run, mồ hôi ướt chảy vào kẽ ngón.

- Không phải tao…cô nói.-

Giọng lạc đi.

- Tụi bây bắt tao phải làm, tao không biết! Tao chỉ… làm theo.-

Hai đứa bé cùng quay lại, cùng nói cùng giọng.

- Không ai bắt mày, mày đã chọn.-

Lúc đó bóng của Linh bắt đầu cháy, không phải da thịt, không phải tóc, mà là cái bóng cô, cái hình nằm dưới chân, dính vào gót như thể mặt đất đang tự nuốt ánh sáng của cô. Lửa cháy không đỏ, mà xanh thẫm như màu nước ao sâu như thứ lửa chỉ đốt điều không ai nhìn thấy được.

Ở ngoài người làng bắt đầu la hét, vòng xoắn lửa không dừng lại giữa tro, mà bắt đầu bén lên bóng người, không cháy áo, không cháy tóc, nhưng cái bóng dưới chân từng người bị bốc cháy từng phần. Có người ôm ngực ngã vật, có người hét lên “Không… không… con chỉ đi coi! Con không đụng vô!” rồi miệng sùi máu, mắt trắng như cá chết. Những người từng tham gia vào nghi lễ “trừ ma Chạ” năm xưa từng ra tay, từng nhúng chàm đều bị bóng cháy, không cháy người, mà cháy gốc. Linh vẫn nằm đó, nhưng bản sao đứng dậy, dây đỏ đứt, gió thốc qua, nhưng lửa không tắt. Bản sao bước ra khỏi vòng tro, không nói gì, không liếc nhìn ai, bóng của cô vẫn nguyên vẹn liền nét dưới chân đậm như ráng chiều trước khi mưa tới.

Linh quỳ xuống, người không cháy, nhưng bóng dưới chân chỉ còn nửa như bị ai đó xé đi một phần rồi vùi vào lòng đất.

Trưởng làng đứng đó, không buồn nhìn ai, không ra lệnh, không cản, chỉ cất một câu, trống rỗng như đất cạn nước.

-Mi đã giữ được thân, nhưng bóng… giờ không còn là của mi nữa.-

Giữa đám đông ông Bảy người gác lửa làng cũ, tay cầm nhánh đuốc cháy dở, miệng thì thầm như nói cho bản thân, như nói cho trời đất.

- Lửa thiêng không chọn ai đúng, nó đốt kẻ nào… từng biết sự thật mà vẫn im.-

Linh cúi đầu, gió từ rừng lùa qua nhưng không có mùi khói, chỉ có mùi tóc cháy rất nhẹ như lời ru đứt khúc của ai đó từng gọi cô… rồi bị quên tên.

Sau đêm lửa thiêng, trời mưa ba ngày không dứt. Mưa như đổ từ một miệng trời nào đó bị ai mở ra quên đóng. Mưa ròng rã, mưa không đục nước, nhưng làm đất lở mềm như thịt thiu, làm người sống trong làng đi đứng không còn nghe tiếng chân, chỉ nghe tiếng bì bõm của linh hồn bơi trong kỷ niệm cũ. Lửa tắt, nhưng tro chưa nguội. Người chết được chôn lặng, không kèn, không khói, chỉ có vài cái bóng không thấy quay về.

Dân làng không ai nói gì, không ai hỏi “có chuyện gì đêm rằm bữa đó?” như thể chuyện đó chưa từng xảy ra, như thể đêm đó không có ai mất tên, không có ai mất bóng, không có ai phải nằm nghe lửa cháy trong tim mà không hét ra nổi.

Linh ở lại, cô sống trong ngôi nhà cũ của mẹ, sát mé rừng, tường đất, mái rạ, nền chẻ bằng tre lạt nhà từng ướt cơn lũ năm đó, giờ khô lại, nhưng cái lạnh vẫn nằm dưới nền, không ai quét lên được, không ai đến thăm, nhưng cũng không ai xua đuổi. Người làng đi ngang, cúi đầu chào, không cười, không né, nhưng khi bóng Linh đi qua họ nhìn xuống đất. Vì bóng của Linh… vẫn có, nhưng nó chậm nửa nhịp. Cô đi, bóng mới lết theo, cô ngồi, bóng đứng, cô ngủ, bóng thức.

Ông Bảy chết, không bệnh, không tai nạn, chỉ là một buổi trưa nắng, ông ngồi dưới gốc vú sữa, rồi ngừng thở. Không ai báo tin, không ai làm đám, nhưng Linh biết. Cô bước ra cổng đúng lúc người ta khiêng ông đi trên cái cáng cũ từng dùng để vác măng rừng mà bây giờ dùng để gánh danh cho một người đã canh lửa cả đời. Cô là người duy nhất đi đưa, không khóc, nhưng có thứ gì trong mắt rịn ra từng giọt như tro ướt.

Trong kho tang của ông Bảy, Linh tìm thấy một tập giấy cũ, bị cháy dở, chữ nhòe, sém viền, là sổ ghi tên người từng bị trừ chạ. Ghi bằng than, có tên có tuổi, có lý do, có cả đoạn trích “nó kêu tên má nó ba lần, mà tro không đổi màu.” Dòng cuối cùng... không có chữ, chỉ là một dấu tay in bằng máu đen. Không rõ tay đàn ông hay đàn bà, không biết còn sống hay đã mất, không tên, không ngày, không dòng chú thích, chỉ dấu, chỉ má, đậm, mốc, nhưng chưa khô.

Linh châm một nén hương, cắm giữa tập giấy, khói bay ngược gió, cô không lạy, không khấn, chỉ nói, giọng chậm, giọng nghẹn như nói từ cổ họng đã từng ngậm đất.

- Nếu người thật đã mất… thì ít nhất… cho bóng còn biết mình từng sống.-

Sáng hôm sau, khi người làng quét sân đình, thấy một tấm khăn buộc ở góc cột, lâu rồi không ai đụng tới, mưa táp làm bung ra một mép vải. Trên mép ấy, là chữ cũ từng bị ai đó xóa đi bằng vôi trắng nhưng mưa làm trôi mất lớp vôi, chữ lộ ra, không rõ nét, nhưng đọc được.

- Kẻ nào giữ bóng cho người khác… sẽ mang danh không tên, nhưng nếu có ai đó còn nhớ… thì bóng… vẫn là người.-

Gió nổi lên, không mạnh, không rét, nhưng đủ làm mấy cái bóng dưới chân người… rung khẽ, như đang chờ ai đó gọi tên, hay chỉ đơn giản là… nhớ.

Bạn cần đăng nhập để bình luận