Người Mang Bóng Chạ
1
Trời mưa dầm suốt từ ngã ba Tà Lài về tới đầu làng. Loại mưa li ti như khói, không đủ nặng để trút ào, mà cứ rỉ rả táp vào mặt lạnh buốt, ngấm từng lớp áo, len vô từng kẽ tóc. Linh ngồi trong xe lam, tay vẫn ôm chặt hũ tro cốt quấn bằng khăn điều cũ, ráng giữ cho nó khỏi rung lắc theo ổ gà. Bác tài người K’ho gầy như que củi, im thin thít suốt chuyến, chỉ gật đầu lúc Linh nhét mười lăm ngàn vô tay. Xe dừng trước cổng đình, cái cổng gạch cũ đã loang lổ rêu mốc, mái vòm nghiêng nghiêng như chỉ cần một trận gió to là đổ ụp.
Linh bước xuống, đất đỏ lầy nhão bết vào gót giày. Trước mặt là con đường làng đã mất dấu xi măng, chỉ còn những đoạn loang lổ, chỗ nổi lên sỏi trắng, chỗ trũng thành vũng nước đen. Làng Chạ đây rồi,sau mười lăm năm trôi tuột như sợi chỉ mòn trong kim đồng hồ rỉ sét.
Không ai ra đón, không tiếng chó sủa, không tiếng gà gáy lạc giọng buổi chiều. Làng im lìm như hòn đá bị nhốt dưới đáy ao lâu ngày, chỉ còn lớp váng rêu bám vào mà không còn sinh khí. Khi Linh bước qua cột mốc đá, nơi người già từng nói là ranh giữa "cõi người sống" và "cõi bị giữ lại", cô cảm giác như không khí đặc quánh lại. Không phải lạnh, mà là... nặng, như có thứ gì đó đang nhìn. Không phải từ trước mặt, mà từ hai bên mé rừng, từ đám bụi chuối sát hàng rào, từ những bóng cửa khép hờ khẽ động như thể ai đó vừa kịp lùi vào trong trước khi cô nhìn thấy.
Có vài cặp mắt ló ra từ khe cửa, chỉ ló, không nói, không chào, không hỏi. Nhà cũ của mẹ Linh vẫn đứng đó mái tôn dột hoen gỉ, bức vách ván cong vênh, chái bếp lụp xụp như sắp rụng. Cây xoài già trước sân vẫn còn, nhưng khô queo, trụi lá, chỉ còn vài cọng rễ phụ thòng xuống như mấy sợi tóc bạc.
Trước bậc thềm, cắm một bó ngải khô, buộc chỉ đỏ vòng quanh ba lượt. Màu chỉ đã bạc, nhưng mùi ngải vẫn xộc vô mũi ngai ngái. Ngay giữa khung cửa, có một dấu than đen vẽ hình xoắn ốc kiểu vẽ chỉ thấy trong lễ trừ "ma Chạ". Người ta bảo, cái hình đó không để đuổi, mà để cấm linh hồn quay lại. Cửa có hình xoắn ốc người từng ở đó sẽ không bao giờ được bước vô lần nữa, kể cả bằng xác, bằng bóng, hay bằng tro.
Linh đứng chết trân, tay cô siết hũ tro cốt, da nổi gai ốc dù không khí không lạnh. Gió từ phía sau lưng thốc qua khe cửa hở, quất một tiếng "phựt" nghe rợn óc.
Lúc ấy, bà Lành đi ngang, người đàn bà lưng gù, tóc tém bạc trắng, cái quang gánh trống không, đôi dép tổ ong lẹp kẹp trong vũng nước. Bà từng bồng Linh năm xưa, từng dúi cho cô củ khoai nướng mỗi lần bị mẹ đánh, nhưng giờ, bà đi ngang không chào, chỉ liếc.
Rồi nói trống không, giọng thều thào như gió thổi qua vành tai:
- Không phải ai chết rồi cũng được về làng đâu… Có khi… còn có đứa chết lâu rồi… mà người ta không biết.-
Đêm đầu tiên ở lại nhà cũ, Linh nằm trên chiếc giường gỗ ọp ẹp, tấm chiếu đã rách rưới, mùi ẩm mốc bốc lên từ từng thớ gỗ ướt. Ngoài trời, tiếng mưa đã tạnh, nhưng không gian vẫn rùng rùng thứ âm thanh kỳ lạ - như có ai gõ mõ chậm rãi giữa đêm canh ba. Không phải mõ tụng kinh, mà là tiếng mõ trâu. Âm vọng dội vào ngực, sâu và đặc, như đánh thẳng vô lồng ngực người nghe.
Người làng từng nói: “Mõ trâu đánh lúc canh ba, là có người sắp chết oan… hoặc có thứ gì về làng.”, chỉ hai trường hợp, không thêm, không bớt. Linh ngồi dậy, tim đập rối loạn, cô bước ra cửa sổ, cửa gỗ lắc rắc, bản lề rít lên như tiếng rên. Cô hé mắt nhìn ra khoảng sân sau, nơi bụi chuối từng mọc um tùm, ánh trăng khuya mờ đục, mặt đất loang lổ bóng cây, nhưng rồi cô thấy… một cái bóng người đứng bên bụi chuối.
Không phải người, chỉ là bóng, không có thân, không có đầu, chỉ là một vệt bóng, kéo dài, đổ xiên xiên xuống nền đất, dằng dặc tới tận bờ giếng cạn - nơi từ năm tám tuổi, Linh đã thấy người ta kéo lên cái xác đầu tiên trong đời.
Mà chính cái giếng đó… mẹ cô từng dặn.
- Tuyệt đối không được soi bóng xuống nước lúc nửa đêm, lỡ mà bóng mình mất đi… thì không còn là mình nữa.-
Sáng hôm sau, mưa không còn, nhưng trời vẫn âm ỉ mây đục. Mặt đất loang loáng nước như chưa chịu khô. Linh gạt tóc khỏi trán, bước ra khỏi hiên nhà, tay vẫn ôm chiếc khăn điều bọc hũ tro, như ôm một mảnh thân phận đang rơi rụng từng ngày.
Đường làng dẫn ra chợ sớm, bùn đất bết từng cục dưới dép, mỗi bước đi là một tiếng “sột” chậm chạp. Chợ cóc không đông vài tấm bạt, vài chiếc mẹt úp rổ rau còn ướt sương đêm. Mùi cá khô, tro bếp, nước mắm lẫn lộn trong làn gió lặng, nhưng không có tiếng rao, không có tiếng trả giá, chỉ có tiếng guốc gỗ khẽ nện trên nền xi măng loang lổ, đứt đoạn, thưa thớt.
Linh cố cười, cố chào, cô ghé đầu gật với người đàn ông đang xếp rổ đậu, với chị bán thịt đang cạo lông heo, với nhóm phụ nữ đang ngồi xé bẹ chuối, nhưng họ… quay mặt.
Không ai trả lời, không một tiếng "chào", không cả ánh mắt, trẻ con thấy cô thì đang chạy cũng khựng lại, một tiếng gọi gấp vang lên từ trong nhà:
- Vô lẹ! Còn đứng đó làm gì!-
Mấy đứa nhỏ giật mình, cuống quýt ù té chạy như thể vừa thấy rắn độc. Cái bóng nhỏ thụt vào sau cánh cửa tre, rồi im re. Linh nghe thấy tiếng then gài, nhỏ thôi, nhưng trong buổi sáng vắng lặng thì nghe như tiếng đóng quan tài.