Người Mang Bóng Chạ

2

Cô không hiểu, mình đã làm gì? Cô chỉ mang một hũ tro cốt, mang theo kỷ niệm, chẳng lẽ… kỷ niệm cũng có thể bị coi là thứ ô uế?

Góc sân đình làng vắng hoe. Cây trứng cá xưa giờ chỉ còn gốc cụt lùn, tán trụi như bị sét đánh. Tượng rồng đá đã cụt mất đầu, vôi vữa bong tróc, lòi ra cốt gạch đỏ như máu khô.

Linh thắp ba nén nhang, hơi khói quyện chậm, lững lờ, không chịu tan. Cô đi vòng quanh, tay vuốt nhẹ lên mặt bàn thờ phủ bụi dày. Mấy hạt bụi vỡ ra, bay thành mảnh li ti như tro cốt vừa rời khỏi lửa. Trên bàn chỉ còn một bức tượng gỗ cũ thần rừng xưa kia từng được làng thờ trong lễ “cầu mùa, cúng rẫy”. Bây giờ, tượng bị bọc kín trong một miếng vải đen, không ai dám tháo ra, không ai nói vì sao.

Cô nhìn lên cột đình, tên mẹ cô từng được khắc ở đó, đậm nét. “Lý Thị Mùi - người giữ rừng.” Giờ… dòng chữ ấy đã bị cạo đi một nửa, dấu dao còn mới, gỗ còn ướt nhựa, như thể có ai vừa mới xoá đêm qua.

Phía vách đình, tấm bảng gỗ mục vẫn treo đó - bảng luật làng, chữ thổ cũ kỹ, khắc bằng tay, cong vẹo nhưng rõ nét. Có ba dòng bị bôi đè bằng nhựa chai đen, lớp nhựa dày, dính như máu đông. Trong ba dòng đó, Linh nhận ra một đoạn, chữ vẫn còn lấp ló sau lớp nhựa tróc:

“Kẻ mang BÓNG về làng - sẽ không được gọi tên.”

Cô giật mình. “Không được gọi tên”… là sao? Là bị quên? Hay là chưa từng tồn tại?

Một cơn choáng ào tới bất ngờ. Cô vịn tay lên mép bàn thờ mắt nhòe đi, hình ảnh chồng lấn nhau: mưa xối xả, cửa đình mở toang, tiếng mõ trâu gõ gấp… rồi tiếng ai đó đập cửa, dồn dập.

Cô còn nhỏ, được mẹ bếm, mẹ bịt miệng cô, cả hai núp sau mảnh vách bếp lạnh ngắt, bên ngoài, giọng đàn bà gào lên:

- Mày nuôi nó… Mày nuôi bóng… Mày là thứ đàn bà nuôi ma!-

Ký ức trôi tuột như giấc mơ dở dang, cô không nhớ sau đó là gì, chỉ nhớ mẹ chạy, chạy trong mưa, chạy khỏi làng, tay vẫn ôm cô, run cầm cập, miệng lẩm nhẩm gọi tên ai đó…

Nhà trưởng làng nằm sau bãi sắn khô. Ông K’Hiếu vẫn vậy bộ đồ bà ba cũ, khăn rằn quấn cổ, mắt lặng như nước giếng cạn, da mặt nâu rạn, có nếp nhăn dài chạy thẳng từ đuôi mắt tới mép miệng. Ông không hỏi cô điều gì, không trách, không chào, không hỏi hũ tro là ai, chỉ rót một chén trà, không mời.

Linh trình bày, cô nói muốn xin phép được chôn tro cốt của dì Mười, người đã nuôi cô từ nhỏ, ở mé rừng phía sau làng. Nơi ấy từng có cây sộp to, gốc chia ba nhánh, gió thổi nghe như tiếng người khóc. Ông K’Hiếu không trả lời. Ông chỉ nhìn cô, nhìn lâu. Đôi mắt ấy như đang soi mói tận xương tủy, không giận, không ghét, nhưng không phải là mắt người nhìn người.

Một lúc lâu, ông mở ngăn bàn lấy ra một miếng vải đỏ. Trên miếng vải có thêu tay một vòng xoắn ốc. Vòng chỉ kéo dài tới mép, không đóng kín, giống như dấu ở cửa nhà mẹ cô, giống như hình vẽ cấm lối trở về.

Ông đặt miếng vải lên mặt bàn, nhẹ, nhưng như một cái án. Linh đứng dậy, cảm ơn, định quay lưng đi.

Giọng ông cất lên, khàn, gần như không phải để nói với cô, mà để buông ra cho đất nghe:

- Người sống… mà không được gọi tên… cũng là một dạng bóng.-

Mỗi chiều, gió lồng từ phía rừng thổi về làng, mùi lá mục, mùi ẩm mục của rễ cây lâu ngày không có người bén chân tới. Cái thứ mùi âm thầm len vào lồng ngực như nước giếng lẫn bùn không thúi, không thơm mà khiến người ta rờn rợn từ sống lưng đến gáy cổ. Linh đứng giữa sân sau, nhìn qua hàng cau già, dõi mắt về phía bìa rừng. Và rồi… cô nghe thấy nóm, tiếng khèn môi. Cái tiếng kêu lép nhép, não nùng, đứt quãng, như có ai đang cố thổi lên một bản tình ca đã mất gốc giữa rễ rừng và tiếng côn trùng kêu ran. Nó không giống khèn trên TV, cũng chẳng giống mấy bản dân ca cô từng nghe trong các hội chợ thành phố. Khèn này… không vui, cũng không buồn, mà lạc lõng, rất lạc lõng. Như tiếng gọi từ một thứ không còn hình thù, không còn lời, mà vẫn muốn được ai đó nhận ra.

Linh bước theo tiếng khèn, qua bờ mương đã khô nước, qua bụi tre rậm không ai dám đốn, qua lối mòn xưa kia từng có người dắt trâu đi cày nhưng giờ chỉ còn vết chân rạn nứt phủ rêu.

Đến một khúc rừng thấp, ở đó, bên dưới cây dầu cao nhất, là một cái chòi lụp xụp dựng bằng lá kè, vách nứa lủng từng mảng. Trước chòi, một ông già ngồi xếp bằng, rắc từng nhúm muối trắng ra thành vòng tròn, đều tay như thể đã làm vậy cả ngàn lần.

Bên trong vòng muối, ông còn vẽ thêm một hình xoắn ốc bằng bột gạo đầu xoắn hướng về phía Đông, đuôi lượn thẳng về phía Tây, đoạn cuối cụp lại như cái lưỡi liếm đất.

Không ai giới thiệu, cũng không cần, Linh biết đây là ông Mo Chín người từng được gọi là mo cuối của làng, sau khi các lễ nghi bị dẹp bỏ và hủ tục bị lên án. Người ta nói ông Chín "bỏ vía sống", nghĩa là vẫn còn thở, nhưng ai cũng coi như đã sang cõi khác. Chòi ông ở nằm tách biệt, không ai dám bước tới.

Linh lên tiếng trước, dù cổ họng khô khốc.

- Ông ơi… cái hình xoắn kia… giống như cái trên khăn đỏ… phải không? Người ta treo nó ở nhà con… treo cả trên cửa…-

Ông không nhìn cô, chỉ rắc tiếp muối, một lúc sau mới cất tiếng, nhỏ như nói thầm.

- Cháu có thấy bóng mình trong gương… không trùng nhịp chưa?-

Câu hỏi như một nhát rạch thẳng vô trí nhớ cô. Có một lần, khi Linh còn ở trọ thành phố, soi gương rửa mặt sáng sớm. Cô nhớ rõ… cô chớp mắt, nhưng cái bóng trong gương vẫn mở trừng, rồi mới chớp… chậm hơn cô một nhịp.

Hôm đó, cô đã lấy khăn che gương suốt hai tuần.

Linh lắp bắp.

- C-con có thấy… một lần.-

Ông Chín gật đầu nhẹ, rồi nói, không hẳn là giải thích, cũng không phải dọa nạt.

- Có thứ… không phải ma, cũng không hẳn là người. Nó không đi bằng chân, cũng không bước bằng bóng, mà nó đi sau lưng người ta… mỗi khi trời trở gió.-

Linh rùng mình.

- Người ta gọi nó là… Bóng Chạ.-

Ông không nhìn cô, nhưng giọng nói ra rất đều, rất chậm, cứ như đang kể chuyện cho đám lửa nghe.

- Không có tiếng, không có tên, không ai nhớ mặt, nhưng nó ở đó, như cái lưng áo bị gió phồng lên giữa đêm, như cái bóng nằm dài ra từ chân mình lúc trời sắp đổ giông. Nó không hại ai, nhưng nếu ai vô tình… đụng mặt với nó… thì một trong hai bên sẽ phải thế chỗ.-

Linh nuốt nước bọt, chân cô muốn bước lùi, nhưng không hiểu sao không nhấc lên nổi.

- Nếu tối nay gió Nam đổi hướng… -

Ông nói, tay chỉ ra mé trời xa nơi mây đang dồn lại - …cháu mà thấy cái bóng nào đứng trước mặt, thì đừng nói gì hết, vì cái đứng sau… sẽ lên tiếng thay cháu.

Bạn cần đăng nhập để bình luận