Yêu Cá
3
An được ông chỉ tới một căn miếu bỏ hoang trên sườn núi, nửa chìm trong bóng râm của những bụi chuối hoang và cỏ tranh cao ngang đầu người. Miếu chỉ còn nền móng và cột xiêu, mái ngói sụp một nửa. Giữa sàn có một cái giếng vuông – khô khốc, đất cát lổm chổm, anh cầm đèn pin rọi xuống đáy. Thứ hiện ra trong ánh sáng vàng yếu là một tấm phù điêu bằng đá xanh, lồi lõm vì mòn nước và thời gian. An leo xuống, dùng khăn lau bùn đất bám mặt đá, từng đường nét hiện ra.
Một cô gái nửa người nửa cá, tóc xõa dài, nhưng không bị giam cầm, cô đứng giữa một vòng người, không trói, không xích, không cúi đầu. Trên lưng cô là năm vòng rạch, khắc hằn vào da thịt như dấu hiệu nhận dạng – không phải sẹo, cũng không phải hình phạt. Một tay cô chạm lên ngực của một người trong vòng, ngay tim. Dưới bàn tay ấy là vết lõm – giống như đang ghi vào, chứ không giáng xuống.
An rùng mình lùi lại, cảm giác lần đầu: Cô ta không phải nạn nhân, cô ta là người ghi dấu.
Chiều muộn, An ngồi trên bãi đá gần Gành Bạc. Mặt trời vừa khuất, ráng đỏ loang loáng trên lớp nước như máu loãng pha dầu, gió vẫn không nổi. Anh nhìn đám sinh vật bám vào vách đá: sò, hải quỳ, san hô nhỏ, tưởng là bất động – nhưng thật ra, đang thay đổi. Dưới lớp vỏ dày, từng tế bào phản chiếu ánh sáng lệch, những mô sống không chết – chỉ biến đổi cấu trúc, lặp đi lặp lại theo các hình học nhỏ. Sự biến đổi này, không ngẫu nhiên, không đột biến, không phải do ô nhiễm, mà giống như... có ai đó viết lên chúng, không bằng mực, không bằng điện, mà bằng... sự sống.
Tối, An trở lại phòng nghiên cứu, trên bàn trải đủ.
Một mẫu mô cá với năm vết cắt rẻ quạt.
Một bức ảnh phù điêu từ giếng đá.
Tập dữ liệu sóng tần số mười hai Hz thu được.
Hình vẽ năm vòng đồng tâm bằng bút mực.
Anh ghép từng thứ, không chệch nhịp, ánh, hình, tất cả trùng nhau, từng dải sóng trong nước, từng vệt sáng trên mô cá, từng cấu trúc phản quang trên san hô, và biểu tượng năm vòng… luôn trở lại.
An gục mặt xuống sổ ghi chép, tay anh run nhẹ, rồi, bằng giọng gần như thì thầm, anh viết một dòng cuối: “Nếu loài người dùng âm – hình – chữ để viết, thì thứ dưới biển này dùng mô sống, ánh sáng phản xạ và sự đau nhẹ để khắc lời. Và có vẻ… chúng ta là trang giấy.”
Chiều hôm nay xuống sớm, gió biển táp nhẹ như người chạm tay vào vai mà không gọi tên. Bầu trời sắp hoàng hôn, ánh nắng dập dờn như thể mặt nước đang chớp mắt. An lội ra lạch đá – nơi hôm trước từng vớt được đám cá chết có vết rạch đồng tâm. Nơi này không rộng, chỉ là một hõm nước lặng giữa hai mô đá đen trơn, sát mép triều. Nhưng nước ở đây... không giống nước biển ngoài khơi, nó sâu hơn độ mắt thường cho phép, và luôn có cảm giác hơi lạnh lẫn mùi sắt gỉ.
Anh gắn thiết bị thu ánh phản quang xuống đáy: một khối tròn, đường kính bằng cái tô ăn cơm, được lập trình để ghi lại bất kỳ phản xạ ánh sáng nào dao động theo chu kỳ – nhất là dạng khúc xạ xoắn kép, thứ anh nghi ngờ là một loại tần số ánh sáng tương đương với âm thanh dưới nước.
Chờ gió lặng, mặt nước chỉ còn gợn nhỏ như lưng thằn lằn trườn trên mặt kiếng, khi ánh nắng bắt đầu ngả xuống chéo, thiết bị bắt được phản xạ đầu tiên. Một luồng ánh sáng bạc xoắn đều từ đáy lạch bắn lên, rồi... tan vào tầng không khí như sợi chỉ bị ai rút mất. Nhưng camera bắt được, dải phản quang hiện rõ trên màn hình cầm tay: hai vòng lồng nhau, liên tục xoắn, giao nhau tại một điểm cố định, giống phổ âm nhạc số – nhưng là ánh sáng.
Đêm, phòng thí nghiệm tối om, chỉ còn ánh sáng từ màn hình chiếu dữ liệu. An kéo rèm, tắt hết đèn, cho phát lại đoạn ghi nhận ánh sáng dưới đáy nước bằng máy chiếu phổ. Làn sáng bạc xanh xoáy đều, phả vào mặt anh, không nóng, không lạnh, nhưng toàn thân ớn lên như có gió lạnh chạy từ xương gáy xuống cánh tay. Da nổi gai nhẹ, không rùng mình, không mỏi mệt. Anh giật mình vì điều đó không phải cảm giác nhiệt, không phải ảo giác thị giác, mà là một cảm giác rõ rệt, không có nguyên nhân sinh học lý giải. An gắn thiết bị EEG mini lên đầu. Máy đo sóng não di động, dùng cho nghiên cứu thiền định và ảnh hưởng sóng âm tới nhận thức. Phát ánh sáng lần nữa, biểu đồ hiện lên – sóng alpha dao động bất thường, ngay thời điểm ánh xoắn chạm tới vùng giữa mắt. Sau đó là nhịp theta tăng dần, giống như não đang đi vào trạng thái bán mộng – không ngủ, không tỉnh. Khi ánh sáng đạt tới độ xoay tối đa, điều kỳ lạ xảy ra: An cảm thấy… từng bộ phận trong người như biết nhau. Tay anh tê nhẹ, lòng bàn tay râm ran như có điện khô rút qua. Mắt mờ đi thoáng chốc, nhưng lại thấy rõ mọi thứ có ánh kim. Không có âm thanh, không tiếng người, không nhạc, nhưng trong đầu, một câu hỏi bật lên – không rõ từ đâu.
— Nếu mô sống ghi nhớ ánh sáng... thì liệu ánh sáng có đang nhớ mô sống?
Ý nghĩ rõ như in, không lặp, không dội lại, nhưng không phải của An., nó... là của ai đó, mượn ý thức của anh mà gửi đi một câu hỏi.
Gió lại đứng, biển tối, trăng chưa mọc. An bước ra khỏi phòng, đứng trước hàng rào lưới mắt cáo nhìn ra biển. Nước lặng – lặng đến mức không còn nhịp, không gió, không sóng, mặt nước như mặt người vừa giấu xong một bí mật. Anh lặng nhìn, không sợ, nhưng trong đầu, giọng đó lặp lại – không lời, không tiếng, chỉ như tiếng vọng ai đẩy nhẹ vô não rồi thôi: “Đừng tưởng mình chưa gặp nhau, mỗi lớp vảy, mỗi đoạn cơ...đều đã thấy nhau.”
An nhìn xuống lòng bàn tay mình, tay trái lạnh hơn tay phải. Anh đo thử bằng nhiệt kế hồng ngoại mini mang theo người – kết quả: da lòng bàn tay trái thấp hơn phần còn lại của cơ thể 0.8°C. Nhịp tim cũng giảm – từ bảy mươi sáu xuống bảy mươi bốn – trong đúng khoảnh khắc anh nhìn thẳng ra biển. Không ai đụng vào anh, không ai nói, nhưng biển… đang điều nhịp cơ thể anh để giao tiếp.
An bước lùi khỏi rào, tay anh khẽ nắm lại – lòng bàn tay trái tê nhè nhẹ như có ai đặt dấu chấm, không nóng, không nhói, chỉ là... được đánh dấu.