Yêu Cá
1
Trời Vũng Tàu đầu hè oi như chảo rang. Hừng hực hơi nước từ mặt biển bốc lên, quyện với cái mùi muối ngai ngái và tanh nồng khiến da người ta dính nhớp như vừa bước ra khỏi giấc mơ bị dội nước đá. An đứng bên mép cầu cảng Long Sơn, mắt nhìn ra xa. Biển yên đến mức không ai dám gọi là yên. Sóng không có lấy một cái gợn đủ mạnh để lách nhẹ vào bờ. Cả mặt nước cứ như miếng kính đặt phẳng, bất động – mà có cái gì đó trong lòng An bảo: nó không phải đang yên – mà đang bị giữ yên.
Anh nheo mắt, kéo quai chiếc nón lưỡi trai xuống thấp hơn một chút. Nắng đâm từ trên thẳng xuống đỉnh đầu, nhưng điều khiến anh khó chịu không phải nắng. Là không khí, là cái lặng, lặng... tới mức có gì đó nghẹn ngang cổ họng, giống như ai đó dìm đầu mình xuống nước – không đủ để chết, nhưng đủ để nghẹt.
Từ trong chòi bán nước, bà Bảy bưng ly cà phê sữa nóng tới, đặt cạch xuống bàn gỗ ọp ẹp.
— Cà phê nè. Đừng nói bảy không nhớ bây nha.
An cười nhẹ, gật đầu.
— Con tưởng bảy quên con rồi.
— Quên sao được? Tóc mày hồi nhỏ vàng hoe, giờ cũng vàng hoe, chỉ là bớt quậy hơn hồi đó.
Anh nhấp ngụm đầu tiên, cà phê đậm, khét, có hậu chát rất rõ.
Vị quen thuộc làm anh bỗng thấy cổ họng trầy nhẹ như có ai cào, anh nói.
— Biển kỳ này sao lặng lẽ dữ vậy bà?
— Ờ… tao nói mi nghe, không phải lặng, mà là... nín. Biển mà nín, không ai dám cười.
An bật cười.
— Ý bà là sao?
— Cái này mày tự coi đi, tao không rành khoa học, nhưng mấy ngày nay… cá nó cứ chết, mà chết... kỳ lắm nghen, không có trương phình như nước đen hồi xưa, mà nó trôi sát bờ, như... như có ai đẩy nó vô.
An kiểm tra thiết bị đo oxy hòa tan. Cái DO sensor mới vừa nhập từ bên Nhật về, hệ 3D tracking đầy đủ GPS và mapping dòng nước, chạy được bằng app trên máy tính bảng ổn áp, mượt. Kết quả hiện lên – chỉ số lý tưởng, thậm chí vượt kỳ vọng.
Anh cau mày, không thể, nếu nguồn nước sạch đến vậy, cá không thể tự chết hàng loạt, không trôi theo kiểu... trật tự như vậy. Anh quyết định hạ flycam. Gió gần như không có – máy bay không lắc một nhịp nào. Từ trên cao, từng bãi đá đen lô nhô nằm im như đóng băng. Một lạch nước nhỏ tách ra từ bãi Gành Bạc, len qua khe đá, sâu không tới nửa mét – lại là nơi tập trung xác cá nhiều nhất, nhìn kỹ thì không hẳn là “nằm” – mà là xếp lớp.
An đi bộ lại đó, đôi giày thấm nước. Đá trơn, anh lội một đoạn, dùng găng tay nhấc một con cá chẽm. Da cá không rách, không lở, nhưng khi trích mẫu cơ mô, dưới lớp da là một đường cắt siêu mảnh, đứt gọn từ bên trong. Không có dấu hiệu cắn, không có axit, không có nấm mốc, không có cả vi khuẩn phá mô – vết đứt như... bị rạch bằng lưỡi dao cực bén từ bên trong mà không tổn thương lớp biểu bì ngoài.
An ngẩng đầu, biển vẫn không gió, không sóng, không tiếng người, chỉ còn tiếng lòng ngực của chính mình, dồn dập và hơi... loạn.
Ông Tư Nghĩa ngồi trước nhà gỗ, hai tay xoa trán. Ông là bạn thân của cha An. Hồi còn nhỏ, An vẫn thường chạy theo ông lặn tìm ngọc trai, học thở ống, học xác định dòng xoáy nước.
Giờ ông đã già, nhưng mắt vẫn sáng, giọng vẫn đục, khè như đám rong lục sẫm dưới lớp cát.
— Mày nói cá trôi sát bờ ư?
An gật đầu.
— Mà trôi kiểu thẳng hàng, không phải do sóng đánh vô.
Ông cười, nụ cười rất nhẹ, rất khô, như cát lăn trong cổ họng.
— Cá bình thường không có trôi ngược, mày biết mà.
An im.
— Cá mà trôi ngược dòng… nghĩa là nó bị đuổi, không phải bị hút, mà là bị đuổi tới chết.
Ông Tư rót rượu ra cái ly sứ nứt miệng uống, lắc đầu.
— Ở đây á... có cái chuyện, hồi tao còn nhỏ, cũng có một đợt như vậy. Biển lặng quá lâu, đêm không nghe tiếng vỗ, coi như mất âm thanh luôn á.
Ông ngừng, gió không thổi, đêm xuống dần như tấm mền ẩm trùm từ trên trời phủ xuống vai.
— Người lớn không dám kể chuyện này vào buổi chiều đâu. Nhưng mày là thằng học cao, chắc không tin...
— Ông kể đi, con nghe.
— Có một con... gái biển. Tao không dám gọi là người. Mỗi lần biển nín lâu quá, nó nổi lên, không phải kiếm ăn, mà nó tìm thứ gì còn sống, để... đổi.
— Đổi gì?
— Không biết, nhưng mấy thứ nó bắt đi... không có chết, chỉ không về được.
Chiều muộn, An đi dọc bãi Sau. Trời chuyển âm, không mưa, không nắng, không gió, chỉ có tiếng giày lạo xạo trên cát, với tiếng quạ kêu đơn độc ngoài xa.
Gần mép nước, anh khựng lại, trên mặt cát lún, có một vòng tròn trượt dài như vệt thân thể kéo lê – không có dấu chân, không có vết tay, chỉ có rãnh. Rãnh mảnh như sợi tóc, nhưng liền mạch, như ai đó bò lên từ dưới biển mà không nhấc thân thể.
— Chú ơi! Chú!
Trẻ con đang nghịch cát gần đó chạy tới, một đứa tay chỉ về một chỗ lõm tròn.
— Chỗ này cá thở nè! Con thấy nó thở á!
An bước lại, không thấy cá, chỉ có một chỗ cát lõm hình tròn, hơi ướt, lõm xuống sâu khoảng hai đốt ngón tay. Và có mùi tanh, mùi rất nhẹ, không thối, không hăng, mà giống như... da người bị ngâm nước lâu quá.
Tối hôm đó, An sắp xếp mẫu vào tủ lạnh chuyên dụng trong phòng thí nghiệm tạm của khu bảo tồn biển. Khi anh kiểm tra mẫu mô cá một lần nữa, dưới lớp cơ mô cắt – xuất hiện một lớp nhầy trong suốt. Nó không tan trong nước, không tan trong cồn, giống... một lớp bảo vệ – như gel giữ ẩm của các sinh vật sống ở độ sâu lạnh.
Anh đặt mẫu dưới kính hiển vi, hình ảnh hiện lên – một xoắn ốc màu xanh bạc – không phải của cá, cũng không phải ký sinh. Lạ một chỗ: hình xoắn ốc ấy không rối. Nó có trật tự, giống như... một thứ được dệt ra từ vảy, nhưng theo cấu trúc của mắt người. Đèn phòng chớp nhẹ, rồi tắt một giây, rồi bật lại. Tủ lạnh khẽ phát ra một âm thanh trầm... rất trầm. Không phải tiếng máy, không phải gió, mà giống như... giọng người đang ngân nga dưới nước. Tiếng hát… xa đến mức người nghe không biết đang nghe thật hay chỉ... nghĩ là đang nghe.