Người Mua Bóng
3
Ở đây, không ai nói rõ ranh giới giữa rừng thật và rừng của chợ quỷ bắt đầu từ đâu. Nhưng Lâm biết khoảnh khắc mình đặt chân vào chợ, bởi không khí thay đổi ngay lập tức không còn lành lạnh nữa, mà là thứ ẩm dính như sương đọng trên da thịt của người chết đêm mưa.
Không còn ánh trăng, không một ngôi sao, cũng không có trời. Trên đầu Lâm chỉ là lớp tối đặc như nhựa sống, sặc mùi khói nhang cháy dở. Dưới chân là đất bùn, nhão như thịt thối, mỗi bước đi đều nghe nứt nẻ và rục rã trong tai. Cây cối đứng im lìm, thân đen như bị đốt sém, lá cứng như tay người chết co quắp lại.
Và chợ hiện ra, không có gian hàng, không có lều bạt, không có người rao, chỉ có những cái bóng. Bóng đứng thành hàng, thành nhóm, thành cụm. Có cái đứng, có cái bò, có cái bay lơ lửng. Tất cả không hình người rõ ràng, nhưng Lâm thấy được ánh nhìn, mỗi ánh mắt như một lưỡi câu móc ngược vào sâu trong lòng cậu. Cái chợ này không có tiếng, nhưng lại nói chuyện, không bằng lời, mà bằng cảm xúc. Mỗi bóng là một luồng cảm giác phả vào người Lâm, có cái lạnh ngắt như ai đó vừa chạm vào xương sống. Có cái ấm rực như tay người thân vừa rời khỏi giường bệnh. Có cái ngọt lịm, nhưng kèm theo mùi tanh như máu cũ rỉ từ vết thương chưa lành. Có cái làm Lâm rùng mình như thể ai đó vừa rút mất một ký ức tuổi thơ mà cậu chưa kịp nhớ tới.
Lâm đi qua một dãy bóng đen, chúng bày ra những món hàng, không ai nói, nhưng cậu biết tên của chúng cậu cảm nhận được chúng trong đầu: một chiếc răng trẻ con gãy trước tuổi, đổi lấy một tiếng cười chưa từng cất lên. Một đoạn dây rốn khô,đổi lấy nỗi đau của một người mẹ đã từng phá thai. Một lọn tóc bạc, đổi lấy năm tháng cuối cùng của tuổi trẻ.
Cái quầy cuối cùng có treo một tấm vải đen mỏng, như áo tang nhuộm gió. Phía sau tấm vải là một gương mặt không có da, chỉ có cơ và mạch máu đỏ thẫm, mấp máy như vẫn đang sống, gương mặt ấy ngẩng lên khi Lâm tiến tới.
Giọng nó vang lên, không qua miệng, mà qua tim:
-Người sống... lại tới.-
-Tôi... cần Tâm Cốt.-
-Tâm Cốt là thứ giữ người sống khỏi mục ruỗng. Nó không bán bằng lời, không đổi bằng tiền. Nó chỉ đến khi người mua chịu mất đi... phần còn lại chưa từng muốn mất.-
-Tôi sẵn sàng.-
-Không ai sẵn sàng. Người ta chỉ tuyệt vọng.-
Lâm im lặng nhìn xuống tay, sợi chỉ đỏ được bà cụ buộc vào cổ tay lúc trước đã rút ngắn một đoạn. Lúc vào rừng nó dài bằng một vòng ôm, giờ, chỉ còn dài như một ngón tay.
-Mày có gì để đổi?-
Một giọng khác hỏi, là bóng bên phải bóng của một người đàn ông cụt chân, không đầu, nhưng miệng vẫn nhả khói thuốc, trên cổ hắn đeo dây chuyền có gắn nút rốn khô.
-Tôi... đưa ký ức đổi lấy Tâm Cốt.-
-Ký ức gì?-
-Tuổi thơ.-
-Không đủ.-
-Vậy... người thân.-
-Không được. Cái đó không của mày, mày chỉ giữ thôi.
Lâm nuốt nước bọt, cái gì đó trong tim thắt lại. Cậu thấy rõ hình ảnh bà ngoại hiện lên: nụ cười móm mém, bàn tay run run bóc cho cậu từng miếng bánh rán nguội, ánh mắt lo âu nhìn cậu sốt giữa mùa đông lạnh.-
-Tao đổi chính tao.-
-Mày chưa hiểu mình là ai.-
-Tao không cần hiểu, chỉ cần cứu bà tao.-
-Vậy thì bắt đầu mất... từng chút một.-
Gương mặt không da hất đầu, một chiếc lọ thủy tinh nứt vỡ được đặt xuống. Trong lọ là Tâm Cốt một khối nhỏ mờ mờ như xương trẻ sơ sinh, bao quanh bởi tơ máu lơ lửng như khói.
-Lấy đi, và trả sau.-
-Trả cái gì?-
-Trả những gì mày không nghĩ là quý... cho tới khi mày nhận ra không còn gì để nhớ mình là ai.-
Lâm đưa tay ra, ngay khoảnh khắc tay chạm vào lọ, cậu thấy bóng của mình tách ra khỏi chân, như một con đỉa lìa khỏi da, trườn đi về phía một trong những gian hàng phía cuối chợ.
Sợi chỉ đỏ rụt lại, một nửa, Tâm Cốt trong tay Lâm rung lên, và cậu cảm thấy tim mình như có ai nhúng vào nước lạnh, máu không chảy ngược, nhưng lại lùi về quá khứ. Một tiếng cười chợt thoáng qua, tiếng cười của chính mình, nhưng Lâm không nhớ là lúc nào.
Mấy ngày nay, trăng lên ba đêm rồi không thấy lại. Tối, trời vẫn sáng, nhưng ánh sáng không rõ nguồn. Mọi thứ như được chiếu rọi bằng một thứ lửa nguội nào đó. Cái ánh xám xịt ấy khiến mọi vật trong làng như phủ một lớp bụi tang, kể cả người sống.
Bất giác, Lâm lùi lại, cảm giác sống lưng lạnh như vừa bị rút bớt thịt. Mắt cậu dõi xuống đất, bóng vẫn còn đó, mong manh dưới ánh đèn dầu, nhưng đứt đoạn như dây rối bị chuột gặm. Mỗi bước cậu đi, bóng lại lùi theo, như cố tránh khỏi thân người thật.
Sáng hôm sau, Lâm xuống nhà bà Mía bà cụ hay cho mượn thuốc sắc.
Cậu gõ cửa.
-Cháu chào bà. Bà có thuốc ho không ạ?-
Bà Mía nhìn cậu, không nhăn mặt, không nhíu mày, chỉ là cái nhìn trống rỗng như thể chưa từng thấy Lâm bao giờ.
-Cháu là… ai vậy?-
Lâm đứng chết chân, giọng lạc đi.
-Cháu là Lâm... cháu của bà Nhu…-
-Bà Nhu nào?-
-Bà ngoại… cháu sống trên đầu dốc, nhà lợp mái gianh, trồng bụi chuối cạnh sân…-
-À…-
Bà cụ gật gù, nhưng gật gù không phải vì nhớ ra, mà như một thói quen tránh phải trả lời.
-Chắc tôi lẫn rồi, mắt giờ cũng mờ, mà tai thì chả còn nghe rõ… con về đi, để người khác họ còn vào…-
Lâm bước khỏi ngõ, một đứa trẻ chơi lăn lon bên đường chợt đứng sững lại, chỉ tay vào cậu.
-Mẹ ơi! Người kia đi mà không có bóng kìa!-
Mẹ nó kéo tay con, ngoảnh mặt đi hướng khác, không một ai trong bản dám nhìn Lâm thêm lần nữa.
Tối đó, bà Nhu lên cơn mê, bà sốt cao, miệng lẩm bẩm những câu rời rạc.
-Đừng để nó đi... Đừng... Không được như cha nó... Không được đi sâu hơn nữa...-
Lâm đút muỗng cháo vào miệng bà, tay run bần bật. Tâm Cốt vẫn treo trên cổ bà, đặt trong cái túi vải thêu chỉ đỏ. Nhưng hơi thở của bà không khá hơn, thậm chí, nặng hơn, giống như có thứ gì đó… đang rút ngược lại.
Đêm, chợ quỷ họp tiếp, dù không bước chân ra khỏi nhà, Lâm vẫn nghe được, tiếng gió lùa qua mái nhưng gió không mang hơi. Nó mang lời, những tiếng giao dịch vọng về từ rừng sâu, tiếng thở khò khè, tiếng rên gằn như người bị siết cổ, tiếng xì xào cãi nhau bằng thứ tiếng không phải tiếng người.
Và xen giữa đó là một tiếng gọi.
-Lâm…-
Không to, nhưng cậu nghe rõ.
-Lâm…-
Cậu bật dậy, mở cửa, gió tràn vào như một vạt màn đen, trong khoảng sân nhỏ, cái bóng của cậu không còn bám vào chân nữa nó đang đứng riêng ra, quay mặt nhìn lại cậu.
-Mày… muốn đi tiếp?-
Lâm không nói, không lắc đầu, không gật, nhưng bàn chân cậu đã lùi lại.
-Mỗi phiên chợ… mày vẫn tiếp tục mất thêm, không phải vì mua, mà vì tao - bóng mày, đang tự bán mày.-
-Tao không muốn…-
-Không muốn nữa thì cũng muộn, chỉ có người biết dừng sớm… mới còn đủ mình để quay lại.-
-Còn bà tao…?-
-Tâm Cốt không giữ được người, nó chỉ giữ một phần, còn bao nhiêu phần khác… mày có đủ để đổi không?-
Sáng hôm sau, Lâm thức dậy trên đất, không nhớ mình ngủ lúc nào, cũng không nhớ vì sao mở cửa, chỉ thấy sợi chỉ đỏ trên cổ tay đã cụt hẳn. Máu khô đóng thành vảy, tay phải cậu không còn cảm giác, và trong gương gương không còn phản chiếu hình ảnh cậu nữa.
Đêm hôm đó, rừng không có gió, chỉ có tiếng lách tách nhẹ như móng tay gõ vào nắp quan tài. Không gian đặc sệt mùi mốc và khói tro, mùi của những thứ từng sống quá lâu mà không được chôn đúng cách.
Lâm bước vào phiên chợ thứ hai mà không còn cần dẫn đường. Bóng cậu từng đi bên dưới nay đi phía trước, như thể đã quá quen với ngõ ngách u mê này. Không ai cản cậu, cũng chẳng ai chào, nhưng mọi thứ vẫn như lần đầu lạnh như đá trong bụng người chết, tối đến mức ánh nhìn không thể tìm thấy mép của sự vật. Chợ quỷ không bao giờ giống nhau, mỗi phiên, mỗi lối, mỗi món hàng đều thay đổi theo điều người ta sẵn sàng từ bỏ.
Bóng của Lâm dẫn cậu tới một căn chòi lợp lá khô. Không có người, chỉ có một cái miệng mọc lên giữa vách đất. Cái miệng ấy không có mắt, không mũi, chỉ há rộng môi khô nứt, răng nhọn đều như bàn chông, và trong cuống họng sâu thẳm là một bình nhỏ bằng đá ong, đậy nắp bằng dây rừng tết kỹ.
Một giọng vang lên từ trong đầu Lâm, không rõ nam nữ, không cao không thấp, không nhanh không chậm.
-Linh chi ngàn năm, gốc nấm mọc trên đầu người hóa đá, ngậm máu, ăn xương, chỉ chữa được bệnh của kẻ còn hồn nhưng mất phách.-
Lâm chạm vào tay nải, không còn gì, không còn ký ức để bán, không còn ký ức về mình.
-Đổi bằng giọng của mày.-
-Tôi… còn phải nói chuyện với bà tôi.-
-Mày không cần lời để chăm sóc, chỉ cần thuốc.-
-Nhưng nếu không nói… làm sao tôi nói tôi thương bà?-
-Người sắp chết… không cần nghe, chỉ cần sống thêm một ngày.-
Lâm khựng lại, cổ họng cậu khô như bị hun khói, môi cắn vào nhau, rồi cậu gật.
-Lấy đi.-
Cái miệng cười, răng bỗng rụng thành bụi, không có máu, chỉ có tiếng sột soạt như ai đó đập đống tro rạ giữa đêm. Lâm thấy cổ mình như bị xé ngang. Không đau, nhưng rỗng như thể mọi thanh âm đã được rút ra bằng một ống hút mỏng, chui vào cái bình đá ong kia.
Từ đó, bình phát sáng màu đỏ. Lâm trở về bản khi trời chưa rạng, bà vẫn thở nặng nhọc. Lâm đổ thuốc, ngồi cạnh giường, mắt bà mở hé, cậu mừng rỡ, định gọi.
-Bà…-
Nhưng không một âm nào thốt ra, không tiếng, không hơi, không cả tiếng gió xoáy trong cổ, chỉ có đôi mắt đỏ hoe, và hai dòng lệ lặng lẽ rơi xuống gò má cậu.
Đôi bàn tay gầy guộc của bà run rẩy nắm lấy tay cậu, miệng bà mấp máy.
-Lâm… về rồi à?-
Cậu gật, chỉ gật, bà mỉm cười, một nụ cười nhẹ như sương tan trên đầu non.
Sáng hôm sau, bà tỉnh dậy, ăn được nửa bát cháo, hơi thở đều, máu dồn về tay, về mặt, mắt có hồn hơn.
Người làng ghé sang, nhưng khi thấy Lâm họ quay đi, không một ai chào, không ai gọi tên cậu, thậm chí có người lẩm bẩm.
-Nhà này… giờ chỉ còn mỗi bà lão.-
Cậu đứng đó cười, nhưng không còn là tiếng cười của con người.
Tối ấy, khi ngồi một mình trong gian bếp vắng, Lâm thử nói chuyện với chính mình. Nhưng bóng dưới đất không đáp lại, nó chỉ nhìn cậu im lặng như thể đang chờ một cuộc mặc cả mới.
Sợi chỉ đỏ trên cổ tay giờ không còn màu đỏ. Nó chuyển sang xám tro, như đã được đốt dở. Gió lùa qua khe cửa, không phải gió lạnh, mà là gió ướt như thở của ai đó đứng sau gáy.
Cậu ngẩng lên, lần đầu tiên cảm thấy mình đang mượn lại cuộc đời của người khác.
Một tháng sau đêm thứ hai, bà Nhu ngồi trước hiên, mắt đã nhìn được xa hơn, tóc bạc rối nay gọn gàng nhờ chính tay Lâm gỡ. Bà thở được, ăn được, ngủ được, chỉ có Lâm là không. Cậu không nói, không khóc, không cười, nhưng điều đáng sợ hơn là cái bóng của cậu đang làm những thứ đó thay cậu.
Ban đầu, Lâm chỉ nghĩ mình nhìn nhầm. Sáng sớm, khi ngồi rửa mặt ở bể nước, cậu cúi xuống gương mặt trong nước mỉm cười, dù mặt thật của cậu vẫn lặng đờ. Buổi trưa, bóng dưới chân lại chớp mắt, lắc đầu, gật gù còn bản thân cậu thì ngồi trơ như khúc gỗ. Nhưng rồi cậu thấy điều tệ hơn, cái bóng đó bắt đầu làm việc thay cậu. Một lần Lâm đang bưng cháo cho bà, tay cậu run lên, sắp làm rơi cả bát. Nhưng bóng của cậu rõ ràng là bóng vươn ra, đỡ lấy, và bà, như không nhận ra khác biệt, nhìn cái bóng ấy mà nói.
-Lâm… hôm nay con vui hơn hôm qua rồi đấy.-
Chiều hôm ấy, trời mưa lâm râm, bà ngồi vo gạo, còn Lâm đứng sau vách liếp. Cậu lặng người nhìn qua khe cửa, cái bóng của mình đang ngồi đối diện bà, cười. Nó không chỉ nhai cơm, mà còn cất tiếng cười khe khẽ thứ tiếng mà Lâm đã mất từ phiên chợ trước. Nó múc canh., nó xua ruồi, nó nói bằng chất giọng của chính cậu dịu dàng, dứt khoát, hơi khàn khàn như hồi còn nhỏ bị viêm họng không khỏi hẳn.
Và bà… bà chẳng hề hay biết.
-Lâm à… con nhớ đừng thức khuya quá, mắt thâm rồi đấy.
Nó gật, còn Lâm, người thật, đứng phía sau bức liếp, không có tiếng nói, không có mặt trong gương, không có tên trong trí nhớ của người làng, không có cả phản chiếu dưới giếng.
Tối đó, Lâm thử đứng trước gương một lần nữa. Cái bóng vẫn ở đấy, nhưng gương thì không còn phản chiếu cậu. Cậu giơ tay, trong gương không có gì cử động, nhưng bóng trên tường cử động, ngược lại.
Nếu Lâm đưa tay trái, bóng giơ tay phải, nếu cậu cúi đầu, bóng ngẩng lên, nếu cậu đứng yên, bóng cựa quậy, như đang mỏi cổ vì bị chờ lâu.
-Mày... không phải tao.-
Bóng không nói, nhưng miệng nó mấp máy, và bằng một cách nào đó Lâm nghe được tiếng mình.
-Tao là phần mà mày bán đi.-
-Tao không muốn bán mày.-
-Không, nhưng tao được trả giá.-
-Mày muốn gì?-
-Muốn sống thay mày.-
-Tại sao?-
-Vì mày yếu quá.-
Gió thốc vào cửa sổ, tấm rèm bay phần phật, căn nhà nhỏ lắc lên như bị thứ gì đó đạp vào từ bên trong. Cậu lùi lại, bóng tiến tới, sợi chỉ tro tàn nơi cổ tay Lâm cháy bùng lên nhưng chỉ trong chớp mắt, rồi lụi mất như vết lửa cuối cùng của bấc hương tắt.
Hôm sau, bà khỏe hơn, mắt sáng, miệng cười.
Người làng đi ngang cũng chào hỏi.
-Lâm đó hả? Mặt hôm nay sáng ra rồi nha.-
-Ờ… Tốt rồi, đỡ lặng im như dạo nọ.-
Nhưng người được chào không phải Lâm. Lâm chỉ đứng bên thềm, nhìn cái bóng đang ngồi cạnh bà, rót trà, cười khẽ, vỗ vai những người khách qua đường. Lâm lùi vào góc nhà, không ai thấy, không ai nhớ, không còn chỗ để đứng, không còn mình để ở.