Người Mua Bóng
2
Một lát sau, người lạ bước ra, không còn bó hương, không còn vàng mã, tay trống trơn, áo ướt sũng mồ hôi hay là thứ gì đó đặc hơn mồ hôi? Lâm cúi đầu thật nhanh, tránh ánh mắt người đó khi đi ngang.
Nhưng cậu vẫn nghe rõ tiếng nói, không phải bằng miệng, mà bằng thứ gì đó lướt ngang qua đầu, như gió lùa qua hốc tai.
-Người đi chợ về... không được soi gương, không được ngủ dưới bóng mình, không được trả lời khi có tiếng gọi vào canh ba.
Rồi người ấy đi thẳng, không ngoái đầu, chỉ đến lúc đó, Lâm mới để ý,quanh cổ người đó có treo một cái gương nhỏ, che bằng mảnh vải đỏ đã sờn mép.
Sáng hôm sau, bản lại như cũ, mùi mồ hôi người, mùi khói bếp, mùi lúa chín lẫn trong gió đầu mùa, nhưng Lâm thấy rõ có gì đó đã đổi. Con chó già nhà ông Nhẫn không còn nằm sưởi nắng, mà cả ngày gầm gừ trước cái bóng của mình trên tường. Bà cụ Mía sáng ra thì mất tiếng, cứ mở miệng là như có ai khác nói giùm. Và đứa bé hàng xóm đột nhiên gào khóc giữa trưa nắng, chỉ tay vào một góc nhà và thét lên.
- Ông kia không có bóng!-
Lâm về, ngồi bên bà, lần đầu tiên cậu mở miệng hỏi.
-Bà ơi... chợ quỷ là có thật phải không?-
Bà không nhìn cậu, chỉ nhắm mắt thật lâu, rồi khe khẽ nói:
-Chợ thì có, nhưng không phải ai cũng về được với nguyên cái bóng của mình.-
Chiều hôm đó, trời quẩn mây tím từ rất sớm. Không có mưa, nhưng gió từ phía rừng già thổi ngược về bản, mang theo mùi ngai ngái của rễ mục, khói hương và tro tàn của thứ gì đó rất cũ, rất xa, rất người mà cũng rất... không phải người.
Lâm ngồi bên giường, đôi tay nắm nhẹ cổ tay bà như thể chỉ cần buông ra, là người già sẽ bị ai đó kéo đi mất. Tay bà mỏng như cánh ve đã chết, mạch đập yếu như tiếng thoi đưa trong một gian nhà chẳng còn ai gõ cửa.
-Bà ơi... ăn chút cháo đi...-
Lâm cất tiếng, giọng cậu trầm lại vì nhiều đêm không ngủ, nhưng bà không đáp. Mắt bà chỉ khẽ nhắm, rồi hé, rồi khẽ nhắm, rồi hé như đang cân đo giữa giữ và buông, giữa ở lại và rời đi.
Một lát sau, bà khẽ thều thào, giọng bà mỏng như chỉ khói:
-Lâm này…-
-Dạ?-
-Cháu... có thấy cha mình không?-
Cậu khựng lại, mồ hôi lạnh thấm qua lưng áo, dính sát da.
Lâm gật nhẹ đầu, bà cũng không hỏi gì thêm, một lúc lâu, mới có tiếng bà rỉ rả.
-Nó từng nói... nó sẽ cứu cả một đời người... chỉ bằng một vật thôi.-
Lâm nuốt khan, ngực cậu tức như bị đá đè.
-Tâm Cốt, phải không bà?-
Bà nhắm mắt, hàng mi bạc phất phơ như sợi lông cỏ non héo úa.
-Không phải ai cũng đủ phúc để được mua... mà càng không phải ai cũng đủ bóng để trả.-
-Con... muốn cứu bà...-
Bà cười, tiếng cười khàn như lửa liếm rơm ướt, gãy vụn giữa cổ họng.
-Đừng để con cháu... lặp lại... bước chân của cha nó…-
-Bà ơi...-
-Lâm... nếu... nếu một ngày nào đó... con thấy mình không còn cái bóng đi theo... con phải quay đầu. Không phải quay về đâu, mà là quay đầu để đừng bước thêm một bước nào nữa...-
Giọng bà dứt ở đâu đó giữa câu, như một sợi tơ treo ngang ranh giới, đứt mà không ai hay. Lâm im lặng, rất lâu, không khí trong căn nhà lịm đi như lớp khói đọng lại sau nén hương đã tắt.
Đêm ấy, cậu lật tung mọi thứ cũ kỹ trong cái rương gỗ dưới gầm giường. Bên trong có một cuốn sổ mỏng, bìa bằng da bò, giấy đã ngả nâu và có mùi mốc như đất đào lên từ nghĩa địa lâu năm, trong sổ không có chữ chỉ có hình vẽ.
Hình một cái chợ dưới trăng, không có người chỉ có bóng, mỗi cái bóng đang cầm một vật, bó tóc, đồng bạc, mẩu móng tay, miếng da, chiếc răng người...
Trang kế bên, là nét phấn mờ ghi bằng tay: “Tâm Cốt – vật mang hơi người đổi một lấy một, hoặc lấy tất cả.”
Một dòng khác, được tô đậm hơn, bằng mực đỏ đã nhòe: “Không ai giữ được linh hồn mình mà vẫn còn giữ được thứ này.”
Gà gáy canh hai, đêm chuẩn bị trôi về một phía mà không ai nắm được. Lâm ngồi ngoài sân, nhìn bóng mình in dài trên đất bởi ánh đèn dầu trong nhà. Bóng ấy, tuy đổ về phía sau, nhưng cậu cảm giác rõ ràng nó đang nhìn lại mình.
Trăng hôm ấy sáng lạ thường, sáng đến mức Lâm không dám ngẩng đầu nhìn thẳng. Ánh trăng phủ xuống mái rạ một lớp bạc lạnh, tĩnh như nước đá. Thứ ánh sáng ấy không soi rõ mặt người, chỉ làm nổi bật những gì không phải người.
Bà ngoại ngủ thiêm thiếp, hơi thở kéo từng nhịp nhẹ như mảnh lá khô rơi giữa mùa hanh. Lâm đặt nhẹ tấm chăn lại ngực bà, đứng dậy, bước ra khỏi nhà như thể sợ tiếng bước chân mình làm lệch cán cân sinh tử.
Đêm đã chín, canh ba sắp đến, từ trong túi áo, cậu rút mảnh giấy da bò chép lại hình vẽ trong cuốn sổ cũ hình “bà cụ không có bóng”, đứng bên bãi tha ma cũ, tay cầm chiếc gậy làm từ xương cá khô, dưới chân cụ là bậc đá có khắc một hàng chữ mờ.
-Trả vé bằng thứ còn sót lại trong mình, trước khi hết sạch mọi thứ.-
Nghĩa địa nằm ở lưng đồi, phía sau bản cũ, nơi người ta từng chôn trẻ con chết yểu và những người không ai nhận xác. Không ai lên đó từ hơn mười năm trước, từ khi một vụ sạt đất đã vùi lấp một nửa nghĩa trang, cuốn trôi cả lối đi cũ, nhưng đêm nay, Lâm thấy đường rõ như ban ngày.
Không phải ánh trăng soi, mà là từng đốm lửa nhỏ lửa xanh lơ lửng hai bên lối mòn như dẫn lối. Mỗi bước chân đi qua, lửa lại lùi lại, chờ đợi. Gió không thổi, không khí như bị nén lại, đặc quánh như nước cốt trầu vắt trong lòng tay ai đó đã lâu chưa mở ra.
Lâm bước đến giữa nghĩa địa, có người đứng đấy, lưng còng, áo chàm bạc màu, mắt trũng sâu, trống hoác, cái bóng phía sau… không có. Bà cụ không có bóng, tay cầm cây gậy trắng nhợt, đầu gậy vót nhọn, có treo theo ba sợi tóc dài buộc nút thắt, không biết tóc ai, nhưng chúng động đậy như rễ cây còn sống.
-Mày có vé chưa?-
Bà hỏi, không nhìn vào mặt Lâm, giọng như tiếng mõ mục nát gõ vào gió rỗng.
-Cháu... không có vé. Cháu muốn vào chợ. Cháu cần Tâm Cốt…-
-Không ai có vé cả. Vé là thứ trong người mình, muốn đổi, thì phải biết... còn lại được bao nhiêu.-
-Cháu có thể trả bằng... bất cứ gì?-
-Không, chỉ được trả bằng bóng, mà bóng mày… đang ngắn dần.-
Lâm nhìn xuống, quả thật, bóng dưới chân cậu vốn nên đổ dài trên đất vì trăng cao lúc này chỉ chừng một gang tay, mờ nhòe, rung rinh như khói hương.
-Nhưng cháu vẫn còn…-
-Còn, nhưng không đủ. Nên mày chỉ vào được một lần, đi một bước, là mất một phần, đi đủ chợ… thì mất hết.-
-Cháu sẽ vào, dù mất hết.-
Bà cụ lắc đầu, đưa gậy chạm đất, mặt đất kêu bộp một tiếng khô khốc, rồi từ dưới chân, sương bốc lên từng đợt, trắng đục như bụng cá chết.
-Lối vào là lối của kẻ đã không còn gì để mất, không quay đầu, không gọi tên, không giữ lời, không soi mặt, không tin mình là ai. Nếu mày còn dính với đời, mày sẽ không ra khỏi rừng được đâu.-
-Cháu biết. Nhưng cháu không chọn.-
-Không ai chọn. Người ta chỉ bị đẩy đến, như cha mày.-
Lâm nghẹn họng.
-Ông ấy từng đi, và không về.-
Cụ giơ tay, dúi vào tay cậu một sợi chỉ đỏ. Sợi chỉ thô, ngắn, một đầu buộc lông chim, một đầu dính máu khô.
-Buộc nó vào cổ tay, khi chỉ đứt, bóng mày sẽ hết, đó là lúc mày phải rời khỏi chợ, nếu còn kịp.-
-Cháu hiểu.-
-Không, mày chỉ nghĩ là mày hiểu.-
Rồi cụ xoay người, vung gậy, vạch một đường lên không trung, từ khoảng hư vô ấy, một cánh rừng hiện ra không phải bằng lá, mà bằng sương. Rừng đứng im. Lá không lay, không có tiếng côn trùng, không có tiếng đêm, chỉ có một thứ tiếng thì thầm, tiếng người, tiếng cười, tiếng rao bán, tiếng trả giá.
Lâm nuốt nước bọt, bước qua vạch, phía sau lưng, bà cụ thở dài.
-Chợ mở rồi đó, thằng nhỏ, mong mày... không phải là kẻ bán rẻ chính mình.-