KINH DỊ - MẸ BÒ
01
01
Vào những năm 90, ở nông thôn vẫn còn nhiều người sinh con tại nhà.
Mẹ tôi bị khó sinh khi sinh chúng tôi.
Tôi đã chào đời, nhưng em trai tôi bị ngôi thai ngược.
Bà đỡ (bà nội tôi) đã lấy một cây kim dài chọc thẳng vào bụng mẹ.
Em trai tôi đau đớn quẫy đạp trong bụng, nhưng vẫn không thể sinh ra được.
Bà nội tôi dậm chân, quyết tâm bảo bố tôi dắt con bò sữa nhà tôi ra.
Mẹ tôi với cái bụng vẫn còn to được đặt lên lưng bò, đi vòng vòng.
Máu nhuộm đỏ cả tấm lưng trắng đen của con bò sữa, chảy xuống theo dòng sữa.
Đáng lẽ ra trẻ sơ sinh không có ký ức, nhưng tôi lại nhớ cảnh tượng này.
Sau đó, em trai tôi được sinh ra, mẹ tôi cũng qua đời.
Những người c.h.ế.t vì khó sinh được gọi là c.h.ế.t dữ, không được vào mộ tổ, người ta nói rằng sẽ quấy rầy sự yên nghỉ của tổ tiên.
Bố tôi đã đào một cái hố bên cạnh chuồng bò phía sau, chôn mẹ tôi ở đó.
Ngày mẹ tôi mất, con bò sữa nhà tôi đã ngừng tiết sữa.
02
Hồi đó, không có nhiều cách để đi làm ăn xa.
Cách kiếm tiền ít ỏi của làng chúng tôi là nuôi bò sữa.
Nhà nào cũng có một hai con bò sữa.
Bò sữa sau khi sinh con non là có thể vắt sữa, mỗi lần vắt được khoảng mười tháng.
Sau đó, sữa kém dần, ngừng hẳn, lại bắt đầu phối giống.
Cả đời con bò sữa cơ bản là quá trình sinh con và cho sữa.
Người dân trong làng mỗi ngày vắt sữa xong, sẽ dùng thùng đựng sữa rồi chở đến huyện để bán.
Kiếm được đồng tiền toàn là nhờ sự vất vả.
Con bò sữa nhà chúng tôi đã năm tuổi rồi.
Tuy rằng mới sinh con non, nhưng sữa ngày càng loãng.
Bố tôi phải đi mua sữa từ những nhà khác trong làng để pha vào, mới có thể bán được.
Giờ thì bò ngừng tiết sữa, kế sinh nhai của cả nhà chúng tôi cũng bị cắt đứt.
03
Bố tôi đi mời các cụ cao niên trong làng đến xem, họ nói con bò sữa đã già, không còn dùng được nữa.
Phải phối giống mới.
Nhưng con bò sữa này đã lớn tuổi, cho dù có phối giống, cũng chưa chắc đã sinh ra được sữa tốt.
Thông thường, bò sữa sau khi sinh bốn năm lứa thì sản lượng sữa sẽ giảm, nhưng con bò sữa nhà chúng tôi là của hồi môn của mẹ tôi, nó rất khỏe mạnh, sữa luôn rất tốt.
Ngày thường cũng là mẹ tôi chăm sóc nó, chu đáo và dịu dàng. Bố tôi nói mẹ tôi ngốc nghếch, ngày nào cũng nói chuyện với bò sữa.
Mẹ tôi nói với ông ấy rằng, bò là loài vật rất có tình nghĩa, lại không đòi hỏi báo đáp, cả đời vất vả, nên người nhà phải đối xử tốt với nó.
Bố tôi nghĩ rằng, con bò sữa này chắc chắn đã hiểu được tình người, đau buồn vì mẹ tôi qua đời, nên mới ngừng tiết sữa.
Vì vậy, ông ấy bế tôi và em trai tôi đến cho bò sữa xem.
Hôm đó đúng là ngày giỗ đầu của mẹ tôi.
Lạ lùng thay, con bò sữa vốn đang ủ rũ quỳ rạp dưới đất, nhìn thấy chúng tôi liền đứng dậy.
Lúc đó, chị dâu hàng xóm cũng có mặt, chị ấy vẫn luôn nhớ rõ cảnh tượng đó.
"Con bò sữa già cứ nhìn hai đứa như vậy, nước mắt nó cứ đảo quanh trong hốc mắt, giống hệt như mẹ nhìn con, nhìn mà tôi thấy xót xa."
Bố tôi và bà nội cứ ở bên cạnh lải nhải với bò sữa.
Nói rằng bọn trẻ đáng thương, nói rằng chúng sinh ra chưa được b.ú một ngụm sữa mẹ nào, nói rằng ngày nào chúng cũng khóc vì đói, nói rằng bây giờ thực sự không còn cách nào khác.
Nếu thực sự không có sữa, thì sẽ phải cho tôi đi làm con nuôi người ta.
Tại sao lại là tôi? Vì tôi là chị gái.
Chị dâu kể, con bò sữa vươn cổ ra nhìn chúng tôi, rồi đột nhiên kêu lên "Ụm bò... Ụm bò...".
Nước mắt nó rơi xuống mu bàn tay tôi đang khua khoắng, rồi hôm đó nó bắt đầu tiết sữa.
Sữa tiết ra lại là sữa non vàng óng.